Snack's 1967
Admin™ : (1) Tin Nhắn Mới Nè!!
Tải BM Wap_KPD.jar
Tìm trong trang:
Bài viết về ngày 27/7 xôn xao cộng đồng mạng (2 trang)
Nếu các bạn đã từng vùi cả tuổi xuân của mình để chờ chồng, nuôi cha mẹ già con thơ và dành cả cuộc đời để xoa dịu những vết thương chiến tranh, các bạn sẽ hiểu rằng chiến tranh không đùa với ai cả, cũng không phải cứ hạ súng thì đã là kết thúc thế nên, còn hòa bình được ngày nào, hãy cố mà gìn giữ. "Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa". Nhân ngày Thương binh - liệt sỹ 27/7, một bài viết rất cảm động của độc giả Lê Thị Hương (25 tuổi, Chí Linh - Hải Dương) chia sẻ câu chuyện về người bố là thương binh hạng 2/4 của mình, bác Lê Anh Tuấn (nhập ngũ lần đầu năm 1974, lần 2 năm 1978, tham gia chiến đấu và bị thương ở chiến trường Campuchia). Bài viết còn là những suy nghĩ rất thật, rất chân thực về chiến tranh của một người trẻ tuổi, người chưa hề biết thế nào là chiến tranh. Hiện bài viết đang lan truyền rất nhanh trên cộng đồng mạng và gây xúc động cho nhiều người. *** Bố em, 18 tuổi vào bộ đội. Năm đó là 1974, chiến tranh đã vào hồi cuối, bố là lớp tân binh nên còn huấn luyện chán chê để rồi tuyển lựa "đi B". May mắn thay, bố chưa đến đợt đi B thì chiến tranh kết thúc, 1977 bố giải ngũ trở về, cưới vợ. Tháng 8/1978, chị cả em ra đời, sau đó chỉ một tháng, chú Tư - em trai ruột của bố em, có lệnh gọi nhập ngũ. Chú vừa nhát vừa hiền, lại vừa cưới vợ nên bố xin đi thay chú. Đất nước đang cần người đã có kinh nghiệm, đơn tình nguyện của bố được chấp thuận ngay. Mẹ em, chị và ông bà tiễn bố lên đường. Vài tháng sau, bố đi K (chiến trường Campuchia). Chuyến tàu đưa bố đi từ ga Hải Phòng, đơn vị bố có hơn 40 người Hải Phòng, vào đến Quảng Trị còn 14 người. Họ nhảy tàu vì đi B thì sẵn sàng nhưng đi K thì khác. Thời gian đầu còn có chút tin bố về nhà, càng về sau càng biền biệt. Mấy năm sau có giấy báo tử gửi về, bà nội khụy xuống trước thềm nhà. Suốt tháng trời bà mê man chỉ đòi chống gậy đi tìm con, bà bảo bố em không thể nào chết được. Mẹ ôm chị gái em từ căn nhà riêng về ở với ông bà vì chị ốm quá, lên sởi mủ xanh mủ vàng đã có lần thiếp đi, chú mang ra góc giường đặt, mẹ khóc ngất, bỗng thấy cánh tay chị vời lên, mẹ lại ôm chị, chăm nuôi bú mớm. Những năm tháng ấy, bố vẫn biền biệt bên kia, không hay biết gì về tình cảnh bi đát của con thơ, mẹ già. Rồi bố bị thương trong một lần đi họp giao ban buổi tối: đạp trúng mìn, bàn chân dập nát, đồng đội đưa về trạm quân y dã chiến giữa cánh đồng hoang. Sợ tiếp tế đến không kịp, bác sĩ y tá cưa chân cho bố, cưa sống, đồng đội hát quốc ca bao nhiêu vẫn không át nổi tiếng gào thét. Rồi 2 ngày sau bố mới được chuyển về Sài Gòn bằng trực thăng, lần này nằm viện, cưa thêm một lần nữa vì vết cưa cũ bị nhiễm trùng. Điều dưỡng thêm vài năm nữa 1/3 chân phải của bố đã không còn, một mảnh đạn găm ở đùi và hai tai bị điếc nhẹ. Bố về nhà với giấy chứng thương 2/4, mất sức 65%. Nhưng còn về được đã là đại phúc cho cả nhà mình, bố kể hồi mới sang được 1 tháng, chính tay bố đã phải gói hài cốt của bạn mình để trực thăng mang về. Ngày bố về, nét mặt dữ dằn hơn, những cơn đau mê sảng thỉnh thoảng vẫn trở lại, chị em nhất định không nhận bố vì sợ cái nạng và cái chân gỗ bố tháo ra lắp vào mỗi sáng tối. Ngay cả đến đời con trai của chị, cháu ngoại của bố, mỗi lần nhìn cái chân ấy nó đều khóc thét. Bố mất cả tháng giời chỉ để làm quen và ôm con gái mình vào lòng mà không làm nó sợ. Đúng, em là gái, em chỉ nhìn những thứ xung quanh mình, em nhìn thấy chiến tranh và hậu quả của nó trong suốt 18 năm sống bên bố, những lần sợ hãi đến run rẩy khi bố em mắt vằn tia máu lên nóng giận vì những điều không lớn lao gì, khi bố em những đêm rên rỉ trong vô thức vì mảnh đạn trong người, khi bố em có những lần đi xe máy hơi quẹt xe đã ngã vì không thể dùng chân giả mà chống như người ta được. Bố em chưa một lần than vãn gì về chiến tranh, kêu ca gì về sự đãi ngộ của nước nhà cho những người thương bệnh binh như bố, bố vẫn bươn trải bán buôn ngược xuôi để nuôi con học hành. Em nhớ mãi một lần lớp 11, em học kém bị bố đánh, đánh xong bố nói rất nhiều, nhưng có một câu em không thể nào quên được, bố bảo: "Chị em chúng mày đang đi học bằng tiền xương máu của tao đấy con ạ". Đúng, chúng em từ Cấp 1 cho đến hết Đại học đều được miễn học phí vì bố là thương binh. Bao nhiêu năm em sống trên đời là bấy nhiêu năm em thấy mẹ chăm bẵm bố em từ miếng cơm, phích nước, ấm trà, là thấy mẹ chịu đựng đủ sự nóng nảy của bố do thay đổi tâm tính từ lúc trở về. Có đôi lần ai đó nói đến chiến tranh, mẹ em chỉ lơ đãng nói một điều: "Kể cả có chiến tranh, thằng HA (em trai em) nhà này cũng không bị gọi đi nhập ngũ đâu, nó con một, bố lại thương binh yếu đuối thế kia". Các bạn có thể cười rằng mẹ suy nghĩ hạn hẹp và ích kỷ, nhưng nếu các bạn đã từng vùi cả tuổi xuân của mình để chờ chồng, nuôi cha mẹ già con thơ và dành cả cuộc đời để xoa dịu những vết thương chiến tranh, các bạn sẽ dễ cảm thông cho mẹ em biết chừng nào. Chiến tranh không đùa với ai cả, cũng không phải cứ hạ súng thì đã là kết thúc thế nên, còn hòa bình được ngày nào, hãy cố mà gìn giữ.
Cho anh và những xúc cảm chưa kịp gọi tên... (3 trang)
Lời tác giả: Cho anh, cho nó và những xúc cảm chưa kịp gọi tên... Chiều hoang hoải... Tăng ga, bỏ lại dòng xe cộ ngược xuôi hối hả phía sau lưng, nó phóng nhanh lên cầu. Mắt nheo nheo nhìn những cánh diều đủ sắc chỉ còn là những chấm nhỏ chênh chao bay lượn trong không trung. Phút chốc, ước mình được ngược gió để bay lên như diều kia. Ở cái thành phố bé nhỏ này, nó thuộc nằm lòng tới từng góc phố, từng con đường. Nhưng chỉ có một nơi nó luôn hướng tới mỗi khi nỗi buồn choán lấy tâm tư. Chính là đây... Dừng xe. Rảo bước trên con đường lát đá xám trắng, nó tiến lại gần phía khuôn viên nhỏ bên triền con sông chảy ngược duy nhất trên dải đất hình chữ S - sông Kỳ Cùng. Nơi này ngập gió. Nó có thể đứng lặng ở đây hàng giờ mà không biết chán. Và cũng bởi khi tâm trạng chẳng thành hình thành khối, nó tìm về với gió... Hơn một lần, nếu có thể, nó muốn thả tung nỗi sầu lên, để gió mạnh cuốn bay, như lúc này đây. Nhưng chẳng thể nào thế được... Hít một hơi thật sâu, gió ních căng đầy lồng ngực. Khẽ khép mắt... Những lúc như thế, nó cần một điểm níu cho những suy tư của mình. Lục lọi kho kí ức, nó dừng lại ở một cái tên. Đó là... MV ! MV – một “bí danh” mà nó dành để gọi anh. Anh chưa bao giờ là người yêu nó và cũng chẳng phải là người mà nó yêu. Nhưng anh lại là một người “đặc biệt” đối với nó và theo cách hiểu của riêng nó. Lắm lúc, nó nghĩ, dường như có những sợi dây vô hình giăng mắc khắp không gian, nối kết những tâm hồn với nhau. Nếu vậy, nó và anh cũng đã được kết nối với nhau như thế. Nó và anh là hai “tiểu vũ trụ”. Cả hai vẫn rong ruổi trên những ngả đường khác nhau để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình. Chỉ có điều, vào những phút lòng chông chênh nhất, sợi dây vô hình đó lại rung lên, kết nối anh và nó ở hai đầu. Có những khi, trái tim của nó thêm một vết cứa khi yêu thương qua đi như gió hay cảm giác cô đơn xâm chiếm lấy nó. Nhưng nó biết, nó không một mình. Bởi chỉ cần một tin nhắn gửi đi, qua những dòng hồi đáp, nó có thể cảm thấy như anh đang ngồi kề bên và sẵn sàng nghe nó nói: “Anh ở đây. Em hãy nói những gì mình muốn nhé. Anh đang lắng nghe nè!”. Và không ít lần, nó òa khóc ngon lành mà chẳng ngại ngần nói với anh: “Em đang khóc...”. Để rồi sau đó, nó thấy nhẹ lòng. Còn anh, nó biết, có những khi anh mỏi mệt trước cuộc sống xô bồ, lạc lối trên nẻo đường yêu và đã có lúc nhận về mình những tổn thương trong tim. Những lúc ấy, anh lại tìm về bên nó. Dù anh chẳng bao giờ trải hết tâm tư của mình ra nhưng nó cảm nhận được những điều không nói qua giọng anh, qua cả những gì ẩn giấu sau nụ cười mang vẻ bình thản và mạnh mẽ của một người con trai. Và nó biết, đôi khi, lặng im và lắng nghe cũng là một cách giúp anh nói hết mọi điều. Có những món quà không mua nhưng lại vô cùng ý nghĩa mà anh đã tặng cho nó. Đó là món quà của Sự Lắng Nghe, món quà của Sự Quan Tâm và món quà của Sự Tĩnh Lặng. Tất cả đều được thắt bằng chiếc nơ đẹp một cách bình dị: Sự Chân Thành. Nó cảm ơn anh vì đã luôn mang những món quà ấy đến bên nó thật đúng lúc. Và hơn cả, nhờ vậy, nó cũng đã học được cách gói gém những món quà như thế trao tặng lại anh và những người nó yêu thương. Cứ như vậy, nó và anh đã đi bên cạnh cuộc đời nhau trong suốt một thời gian khá dài. Và chẳng thể phủ nhận, hơn một lần, nó đã xao xuyến... vì anh. Nhiều lúc, nó cười một mình khi đọc lại những tin nhắn của anh. Nó nghe tim mình đập rộn hơn một chút khi màn hình điện thoại hiển thị một cái tên quen: MV. Đôi khi, có những nỗi buồn man mác đọng lại trong lòng nó khi nghe một bản nhạc chờ anh cài dành cho một quá khứ, một người con gái khác… Và, trong một vài suy nghĩ, nó đã từng giả định “Nếu anh là chàng trai của nó thì…” Rất nhiều lần, nó tự hỏi, những cảm xúc đó là gì? Có người nói, là thích. Có người bảo, là yêu. Còn nó, mỉm cười. Thích thì có bởi thích giản đơn lắm. Còn yêu thì chưa phải và chưa tới. Có lẽ, người trong cuộc sẽ thấu rõ hơn ai hết, phải không? Nếu như nó và anh được kết nối bằng một sợi dây vô hình thì ở hai đầu của sợi dây ấy có nó, có anh và dường như cũng có một khoảng cách vô hình. Khoảng cách đó có khi đã co lại thật gần khiến không ít lần nó phải bối rối. Mong manh vậy, nhưng khoảng cách ấy chưa bao giờ mất đi, tựa như điểm mốc giới hạn cho những tình cảm của nó dành cho anh và ngược lại. Có lẽ, cũng chính bởi vậy mà anh trở nên “đặc biệt” . Anh mang đến cho nó những cảm xúc không giống tình yêu mà cũng chẳng hẳn là tình bạn, không ồn ào mà cũng chẳng lặng lẽ. Xin gọi lên những xúc cảm không tên... Nhưng có một điều mà ít người con trai nào mang lại được cho nó, ngoại trừ anh. Điều đó khiến những nỗi buồn đè nặng trong lòng nó như tan dần và cuối cùng chỉ còn lại sự nhẹ nhõm. Điều đó làm cho bao mệt mỏi, âu lo được tạm đặt vào “vùng lãng quên” để rồi sau đó nó có thêm nghị lực bước tiếp. Điều đó thật khó định nghĩa mà chỉ có thể cảm nhận bằng cảm giác. Phải chăng, nó là Sự Bình Yên! Nếu như, Bình Yên là điều ai cũng muốn thì nó nghĩ, nó may mắn. Và như thế, nó lại thấy đủ. Có thể, anh chẳng bao giờ biết hoặc nghĩ rằng, với nó anh “đặc biệt” đến thế. Và cho dù sau này, anh có thể sẽ là chàng trai của một cô gái khác, không phải nó nhưng nó sẽ vẫn giữ lại những yêu thương nhẹ nhàng ấy cho mình. Như vậy nhé, cứ để nó là một “bí mật” không bật mí! Nó... Một làn gió từ triền sông thổi lên, thốc mạnh, đưa nó bứt ra khỏi những suy tư về MV. Từng lọn tóc cuốn tung trong gió, táp nhẹ vào mặt và dần buông khẽ khi tắt gió. Nó thích cảm giác ấy cũng như thích mái tóc dài kia. Đơn giản chỉ bởi mái tóc ấy sẽ giúp nó che đi phần nào những giọt nước mắt đang thầm rơi để ít ai hay như chiều nay... Nó... chưa nếm trải đủ dư vị của cuộc đời nhưng đã qua cái tuổi ngây ngô. Nó... đã chạm tới cột mốc mang tên “Trưởng Thành” Nó... không quá mạnh mẽ nhưng cũng không phải là một đứa ủy mị Vậy mà lúc này, nó thấy mình yếu mềm. Nó khóc… Cho đi thật nhiều xong nhận chẳng bao nhiêu! Dẫu biết cho đã là nhận nhưng sao nó vẫn thấy lòng quặn thắt và dường như những giọt mặn chát rớt rơi lúc này cũng đằm hơn, vị của những đắng cay. Những khối sầu cứ ập đến, tấn công nó dồn dập. Tất cả dường như chỉ trực quật ngã nó. Thở dài, nó tự hỏi: Bao nhiêu mạnh mẽ mới đủ để vượt qua những cơn bão lòng? Giờ còn mình nó đứng chơ vơ trên con đường yêu, nghe tim mình lỗi nhịp vì những yêu thương mới qua, chưa xa… Cứ mỗi lần như thế, tin yêu trong nó như lại vơi cạn đi một chút và trái tim cũng trơ lì hơn. Ở nơi đâu, yêu thương không phôi phai...? Nhưng lạ kì thay, ngay cả ở cái thời khắc tồi tệ của tâm trạng ấy, nó chưa bao giờ thôi hi vọng và vẫn nuôi trong mình một suy nghĩ, rằng: Hạnh phúc sẽ lại về bên, nhất định thế! Điều gì đã kéo nó lại? Bất chợt, nó mở to mắt ngắm nhìn. Theo gió, bong bóng xà phòng ánh sắc cầu vồng tràn ngập khuôn viên nhỏ và bao quanh người nó. Lũ trẻ đang tạo ra một “không gian cổ tích” trong tiếng cười trong veo thích thú của chúng. Nó cũng mỉm cười, một nụ cười ngây ngô, như trở lại tuổi thơ vô âu vô lo. Phải rồi! Đủ gió chong chóng sẽ quay. Đủ nắng hoa sẽ bung cánh thắm sắc. Đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy và tình yêu sẽ lại về bên! Chính những khoảnh khắc bình dị như thế đã kéo nó lại và nâng nó lên. Chính bởi trong cuộc đời mình, nó đã gặp những người cần phải gặp, như MV – người thắp lại những tin yêu trong nó. Lòng nó nhẹ bỗng, như chưa từng biết tới một chiều hoang hoải. Và, nó lại muốn sẻ chia với một người phút giây ấy, cũng là để nhận về chút Bình Yên cho chính nó. Rút điện thoại, lướt nhanh danh bạ tìm một cái tên: MV... Nó ấn phím gọi đi. Bản nhạc chờ quen thuộc réo rắt bên tai: “Tình yêu vẫn khiến bao người đam mê mãi suốt cuôc đời Tình yêu vẫn không đến khi bao trái tim luôn vội vàng...” Ở đầu dây bên kia, khi màn hình điện thoại anh bừng sáng, nó sẽ không biết được rằng, hiển thị bên cạnh số điện thoại là một cái tên mà anh lưu dành riêng cho nó: My Valentine…
Chàng trai đi ngược nắng (3 trang)
Lần hai gặp lại, tôi vẫn không biết cậu ấy là ai, nhưng tôi vẫn nhìn cậu ấy thật lâu và vẫn ước thời gian ngừng lại. Cảm giác này là gì? Có phải tôi thích cậu ấy rồi không? Một chiều tháng 7 nắng chói chang, khi tôi đang cáu kỉnh bò về nhà và nghĩ đến đống deadline kinh khủng sắp tới, tôi đã gặp cậu con trai đó. Cậu ta đứng ngược chiều với tôi, chúi mặt vào chiếc Leica xám bạc. Mặc một chiếc Tshirt xanh dương, quần bò dáng cũ rộng thùng, vòng tay và giày cùng tone xanh đậm. Giống các photographer bình thường khác tôi vẫn gặp, cậu không ăn vận cầu kì. Nhưng mà,so với trăm người trên phố lúc bấy giờ, cậu ta vẫn đặc biệt hơn. Hoặc là, vì tôi nghĩ như thế. Cậu con trai ấy thản nhiên đứng giữa cái nắng cháy da, ống kính chớp liên tục. Điều đó khiến tôi khó chịu. Tôi biết, cậu ta không phải loại tập tọe cầm máy ảnh để đi tán gái. Những đứa nhạt nhẽo như thế thường không dám dùng máy ảnh Đức. Nhưng cái cách cậu ta chụp một cách bừa phứa, vô tội vạ với chiếc Leica huyền thoại, khiến tôi thấy ngứa ngáy. Leica không thông dụng như Nikon hay Canon, nó ẩm ương, lắm chuyện và vô cùng kén người dùng. Nắng khiến lưng tôi rát phát điên, còn cậu ấy thì cứ chường cái mặt trước nắng mà bấm máy lia lịa. Người khác thì đi theo hướng nắng đổ, còn cậu con trai ấy thì đi ngược chiều nắng. Người khác muốn chạy đến chỗ râm, cậu ấy thì cứ lao đầu về nơi nắng nhất và nóng nhất. Cậu ta vừa có vẻ điềm đạm, lại vừa có gì đấy không thể kiểm soát nổi. Tôi bỗng nhớ đến con mèo lười ở nhà của mình, suốt ngày lim dim nằm dài sưởi nắng. À... cũng lâu rồi tôi không về nhà thì phải... Ý nghĩ ấy, dù tích cực hay tiêu cực, cũng khiến tôi nở nụ cười hiếm hoi trong ngày hè nóng bức. Đúng lúc đó, cậu con trai lạ mặt kia xoay ống kính về phía tôi. Chụp tôi ư? Không. Cậu ấy chỉ đang tiếp tục công việc chụp mây trời khó hiểu thôi. Chúa ơi. Việc cỏn con vậy mà đã suýt nữa đã làm tôi nghẹn... trà. Là vì chiếc Leica hiếm có và đẹp mê muội đó? Hay là vì trời nắng quá gay gắt? Hay là ... Gì nữa đây? Chúa ơi, cậu ấy đang đi về phía này. Chậm dần, từng bước một. Mắt vẫn không quên dõi theo máy ảnh. Cậu ấy còn ba bước nữa. Hai bước. Một bước rưỡi... Tôi không biết cậu ấy là ai, tôi chỉ biết cậu con trai đi ngược chiều nắng ấy sắp bước qua tôi. Và đơn giản, tôi không hề muốn điều đó xảy ra. Vậy nên, khi cậu ấy vừa sượt qua tôi... - Ê! – Tiếng gọi vô nghĩa cộc lốc ấy vụt ra khỏi miệng trước cả khi tôi suy nghĩ nên nói gì. Nhanh đến mức tôi còn không biết mình đã nói nó với ngữ điệu đáng xấu hổ như thế nào nữa. Trời ơi, tôi có thể nói “A”, hay gọi “Này bạn ơi” cơ mà, sao lại là cái tiếng "Ê" thô kệch như thế chứ. Điên mất. Ống máy còn chưa kịp gỡ xuống, cậu con trai đó cũng giật mình quay sang nhìn tôi. Trong một khoảnh khắc, tôi đã biết vì sao cậu ấy đi ngược nắng. Trước mắt tôi là hai con mắt đã đỏ hoe và sưng húp tự bao giờ. Lặng người trong một thoáng. Rất nhanh, chỉ bối rối một chút thôi, cậu con trai ấy lại tiếp tục nhìn vào chiếc Leica và bước đi tiếp. Hóa ra, tôi chưa hâm đến mức chú ý một thằng con trai bình thường chỉ vì nó có trên tay một chiếc máy đẹp. - Bạn là photographer à? - Bây giờ thì không. Cậu ấy giơ tay vẫy tôi khi đã quay người bước đi. Hút rột nốt hột trân châu cuối cùng, tôi thấy khó chịu kinh khủng. Nắng hong khô má cậu chứ đâu có làm dịu đôi mắt và trái tim cậu đâu. 9 missing calls cho một buổi chiều nắng. Nhưng tôi không cáu gắt gì điều đó nữa. Làm mãi vẫn chưa xong đơn giá của tháng và câu hỏi ôn tập kì hè, hai mắt tôi đã muốn díu chặt vào nhau. Lật đật rời ghế đi tìm coffee, tôi chợt dừng lại nơi hộc bàn cũ. Gần 2 năm, tôi chôn vùi một góc trái tim mình ở đây, một chút niềm vui, một chút nỗi buồn và một chút nước mắt. Mở ngăn, vài hạt bụi nhẹ bay bay. Tay vuốt nhẹ chiếc máy Praktica ngày nào, từng dòng hồi ức sâu thẳm cũng như động đậy theo. Đó là hồi ức về những ngày tháng mê tít máy ảnh Đức, thích thú với quá trình vật lộn với ống kính nhỏ cũng như độ chỉnh sáng và cách sử dụng quái ác của dòng máy này. Kỉ niệm về những ngày ôm cả Praktica đi ngủ, rồi hình ảnh con bé17 tuổi lớn tồng ngồng, cầm máy ảnh dưới nắng hè gay gắt, mặt nhoèn nhoẹt nước. Nó không ngừng nhìn lên trời, nhìn lên nắng mà khóc. Nó đủ lớn để hiểu: khi buồn thì hãy cứ khóc đi, ém nhẹm trong lòng chỉ khiến mình thêm bức bách. Nhưng nó cũng đủ mạnh mẽ để biết: Ngay khi nó đang khóc, nó phải học cách đứng lên luôn rồi. Nửa nó muốn ai đó thấy nó đang khóc để chạy lại ủi an, nửa lại nhờ ông trời mau mau hong khô nước mắt của nó. Nhắm mắt lại, tim đau nhói lên một vệt dài. Đôi mắt đỏ hoe gặp bâng quơ lúc chiều của cậu con trai đó lại hiện lên. Cậu ấy thậm chí còn giấu tất cả sau ống kính. Nỗi đau và thương tổn, quả nhiên là nam châm hút người lạivới người khá mạnh mẽ. Hộc bàn đó, phải rồi, không phải là “một chút” đâu, mà là rất nhiều. Chỉ khi kéo nó ra rồi, tôi mới nhận ra được điều giản đơn đó. Quá khứ, dù muộn phiền hay vui vẻ, đều không dễ quên đi và cũng không nên giấu kín như thế. Quá khứ là nước mắt hay nụ cười, đều rất đáng được trân trọng. Thôi không pha coffe nữa, tôi tắt lap, xếp gọn lại giấy tờ. Tối hôm đó, sau hai năm ròng, tôi lại hôn Praktica trước khi đi ngủ. Và ngủ rất ngon. Có một giấc mơ đẹp nữa? Cậu con trai ấy vẫn đi ngược chiều nắng, nhưng trên đầu đã đội một chiếc mũ lưỡi trai đỏ chót, và, đi cùng với tôi. Những ngày sau đó, tôi vẫn tất bật, với N đen, với bài vở, với Viking. Chỉ là, có gì đó bình lặng hơn. Tôi thả bộ nhiều hơn một chút, và đi chậm hơn một tẹo. Cũng không hẳn chỉ để gặp lại photographer kia. Vì thỉnh thoảng, tôi cũng thích thú mỉm cười trên phố khi bắt gặp hai đứa trẻ con chí chóe trên đường, thấy nụ cười của bác trai nào đó khi nhận được điện thoại của vợ, hay cái nhìn ngẩn ngơ tiếc nuối của một vài cô gái khi đi qua shop đồ mình yêu thích. Tôi tìm lại được phần nào cái cảm giác thiếu thiếu nếu một ngày không mang Praktica theo mình. Tôi bắt đầu đeo dây và bấm máy lại nhiều hơn một chút. Thỉnh thoảng, khi đang ngắm góc, trong tôi lại vẩn vơ cái suy nghĩ: “Nếu là cậu ấy, cậu ấy sẽ nghĩ như thế nào nhỉ?” Những bức ảnh chụp khi đó, thường khá đẹp. Hoặc là, vì tôi nghĩ như thế. 19 năm, lần đầu tiên nghe điện thoại con gái chỉ để nghe kể chuyện hôm nay nay của nó, bố tôi cứ ngẩn người ra. Khiến tôi vốn dĩ đã ngại ngùng rồi, lại càng ngắc ngứ tợn. Nhưng rồi cũng nói khẽ được câu “Chủ nhật này con về bố nhé”, mà không cần bố chủ động gọi về. Trước đây, tôi hay thấy mình giống nhân vật chính trong thơ Nguyễn Phong Việt. Nhưng giờ đây, tôi, cô gái 19 tuổi, lần đầu tiên tự thấy mình cũng có thể thành nhân vật phản diện xuất sắc. Đó là vai khi tôi dừng lại, hoặc là chạy theo và níu vai, hỏi bâng quơ người nào đó lần đầu tiên tôi gặp: “Hey, có phải chúng ta từng quen nhau từ ngày xưa?” với đôi mắt tròn xoe mừng rỡ: "Này, kiếp trước chúng ta từng hẹn hò nhau rồi đấy” hay cái gì đấy đại loại như thế. Tất nhiên, nếu như tôi đóng cùng cậu con trai đi ngược nắng kia cơ. Có những người, chỉ vô tình lướt qua mình trên đường đời, vẫn có thể để lại một dấu ấn thật sâu đậm Tháng 8 về, tôi cũng bắt đầu nhớ đến việc đọc sách. Và tôi tìm về thiên đường một thời của mình – tầng hai cũ kĩ của ngôi nhà nhỏ trong ngõ Đinh Lễ. Chào bác gái xong, tôi hí hửng bước vào, cứ tưởng mình là khách hàng đầu tiên. Ai dè, đã có người ở đây rồi. Đó là một cậu con trai, đang đứng tựa vào chồng sách khổng lồ, tay cầm quyển sách gì đấy ghi loáng thoáng Classical, Photograph, Germany. Tôi tròn mắt. Cậu con trai đó... Cậu con trai tôi kiếm tìm bâng quơ suốt cả mùa hè kia rồi. Lạy Chúa. Trong một khoảnh khắc, tôi đã tin vào Định mệnh. Vuốt nhẹ mấy đầu sách không rõ tên ở gian bên này, tôi vờ ngẩng đầu quanh quất tìm một cái gì đó. Thỉnh thoảng lại liếc nhẹ về phía cậu ấy. Ai mà ngờ được lại thấy cậu ở đây vào lúc này cơ chứ? Tôi hít một hơi thật dài, nơron thần kinh chạy điên loạn để xem nên lại gần cậu ấy bằng cách nào? A, hôm nay cậu ấy không mang Leica, mặc cardigan mỏng mỏng sọc đỏ rồi, cũng không trắng và không cao lắm. Hôm nay mắt cũng không đỏ hoe nữa.Làm sao đây nhỉ, lại gần và nói: "Cậu ơi, có phải chúng ta từng quen nhau?” hay là cứ đứng đây và nhìn theo nụ cười tươi rói đó đây? Đầu óc thì suy nghĩ mông lung, còn miệng tôi thì vẫn đang cười. Nụ cười chỉ nhạt đi đôi chút khi tôi thấy một cánh tay trắng với cái lắc xinh xinh khẽ nhoài ra vòng lấy tay cậu ấy, và mái tóc đen tém ngắn dụi khẽ vào vai cậu rồi cười rúc rích: "Truyện gì đây hả anh?”. À... Thấy bối rối một chút, tôi khẽ vén tóc ra sau, chân thôi không bước nữa. Cậu ấy và cô bé ấy thì đang đi qua đây. Chậm dần, từng bước một. Hai bước, một bước rưỡi. Nhà chật kín sách, giữa các gian sách cách nhau một khoảng bé lắm. Có gì đó trong tôi đang tan chảy và vỡ ra khi cậu ấy khẽ cười: - Bọn mình đi nhờ nhé. Khẽ quệt nhẹ vai tôi, cậu ấy len qua, và một lần nữa lại bước qua tôi. Trong một thoáng chốc, cậu ấy đã ở gần tôi hơn lần trước, còn tôi, đã không còn “Ê” được nữa. Nhẹ với tay lấy quyển Phong Vị Tuyệt Vời của Yamada Emy, tôi bước ra ngoài và xỏ dép. Một cơn gió thu mát mẻ của buổi sáng tinh khôi khẽ vờn nhẹ mái tóc dài. Lần hai gặp lại, tôi vẫn không biết cậu ấy là ai, nhưng tôi vẫn nhìn cậu ấy thật lâu và vẫn ước thời gian ngừng lại. Cậu con trai ấy hôm nay không đi ngược nắng, nhưng tôi sẽ tiếp tục nghĩ về cậu ấy rất nhiều lần mất thôi. Cảm giác này là gì? Có phải tôi thích cậu ấy rồi không? Tôi cũng không biết nữa. Tôi liệu còn gặp cậu ấy được nữa không? Ai mà trả lời được? Tôi chỉ chắc chắn một điều, cuộc sống của tôi đã đậm màu lên không ít kể từ ngày tôi thấy cậu ấy. Và nhiều khi, chỉ thế là đủ. Thật chậm và thật khẽ, tôi mỉm cười khi thấy nét mặt tươi rói của cậu ấy qua lăng kính. “Này Prektica, kia là bà mối lại duyên xưa cho tao với mày đấy. Chụp cậu ấy nào. Thật đẹp nhé ...” Hôm nay tôi không làm một photographer, tôi chỉ làm một người con gái đang muốn chụp ảnh người mình thích mà thôi. Một giọt nước mắt khẽ lăn nhẹ trên gò má, tôi chụp hai tấm. Một tấm lấy luôn, tôi chụp cả hai người đang vui vẻ ở bên nhau. Mắt cậu ấy, cười rất đẹp. Lấy bút lông, tay tôi run nhẹ viết lên mặt sau ảnh: “Cậu trai đi ngược nắng, Cám Ơn Cậu. – 19/07- 29/08”, rồi gửi lại cậu ấy qua bà chủ ở tiệm sách Đinh Lễ. Tấm còn lại chụp một mình cậu bạn, tôi chỉ lưu trong máy, và tôi không biết đến bao giờ mình mới xóa nữa. Về nhà rồi tôi mới lấy tấm ấy ra rửa, không quên lấy bút ghi lại dòng chữ be bé: "Tuổi 19 ngây dại. Cậu trai tôi thích”. Tôi thấy mình tiếc nuối, tôi thấy mình hụt hẫng, tôi thấy buồn, tôi thấy nhớ cậu ấy. Nhưng không sao cả, vì tôi biết, gặp cậu ấy, đã là một kỉ niệm đẹp cho tuổi 19 của mình. Cũng giống như câu nói trong bộ phim You Are The Apple Of My Eye: "Tuổi trẻ giống như một cơn mưa rào mùa hạ. Dù có bị ướt nữa ướt mãi, vẫn mong có thể quay trở lại để bị ướt thêm lần nữa”. *** - Bạn là photographer à? – Tôi hỏi cô bạn đang chụp mình từ phía ngoài cửa hiệu. Cô ấy dùng Prektica dáng cổ, cũng đẹp. Tôi đứng nhìn cô bạn một lúc. Cô bạn ấy cũng vậy. Không trả lời tôi vội, bấm máy một cái, rồi cô bạn mới nói: - Bây giờ thì không. Cô bạn ấy vẫy tay chào tôi khi đã quay người bước đi. Hình ảnh ấy khiến tôi nao lòng một chút. Hôm đó tôi không làm photographer, vì tôi chụp ảnh chỉ để kiềm chế nỗi đau đớn trong lòng. Còn hôm nay, khi không nhận mình là một photographer, cô bạn ấy đang nghĩ gì nhỉ? Nhận bức hình từ tay bà chủ tiệm sách, tôi quay sang bảo cô em gái ruột bé bỏng lắm mồm của mình: - Này em, anh nghĩ là đã đến lúc Leica nên kết thân với một Prektica rồi đấy.
Con... trượt rồi bố ạ (1 trang)
Hương không dám nhìn thẳng vào khuôn mặt của bố. Nó cắm đầu đi vào nhà. Ngang qua chỗ mẹ nằm, nghe những tiếng thở khò khè khó nhọc, nó không cầm được nước mắt. Bữa cơm tối dọn ra nhưng bố con nó chưa ăn vội. Từ ngày mẹ bị bệnh, mâm cơm nhà nó bao giờ cũng chỉ có hai người. Bố bón cho mẹ bát cháo xong rồi hai bố con mới ăn. Bữa cơm tối nay có cá kho, bố đánh dưới ao lên nhưng nó ăn không thấy ngon. Hình như bố cũng vậy. - Không đỗ thì ôn thi tiếp. Con đừng buồn, nhìn con buồn bố nản lắm. Nó quay lại nhìn bố với đôi mắt ướt: - Con hết buồn rồi, bố đừng lo. Đêm, nó trằn trọc không ngủ được. Khó khăn lắm, mẹ mới chợp mắt nên nó không muốn tiếng trở mình của nó làm mẹ thức giấc. Nó sờ tay lên tường, mảng tường đã bong tróc chỗ lồi, chỗ lõm khiến bàn tay nó ram ráp. Nó nghĩ đến giấc mơ dở dang của mình… Nhưng nếu nó đi học thì bố mẹ sẽ thế nào đây? Bố lấy đâu ra tiền để vừa lo thuốc thang cho mẹ lại vừa lo cho nó học đại học. Bác sĩ đã bảo bệnh của mẹ sẽ khỏi nếu kiên trì chữa trị. Mẹ đã hy sinh rất nhiều cho nó. Nó không muốn mẹ phải hy sinh cả sự sống của mình chỉ để cho nó được học đại học. Với nó, mạng sống của mẹ quan trọng hơn tất cả mọi thứ trên đời. - Bố à, chắc sang tháng sau con lên phụ giúp dì Hoa bán hàng cho… đỡ buồn. Nó nhìn bố thăm dò. Thực ra là nó đang nói tránh cái điều mà nó nghĩ: phải đi làm để có tiền đỡ đần cho bố. Sau một hồi suy nghĩ, bố đặt tay lên vai nó, giọng chùng xuống: - Cũng được con ạ. Nó lên phố bán hàng, bỏ lại phía sau những nỗi niềm và những giọt nước mắt. Cửa hàng của dì nó ở vị trí trung tâm thành phố, lại là đại lý lớn nên rất đông khách. Bận bịu với việc bán hàng, nó cũng quên đi nỗi buồn. Tiền ăn ở dì lo, còn tiền công tháng dì bảo nó gửi về quê cho bố mẹ. Cầm những đồng tiền đầu tiên kiếm được, nó thấy quyết định của nó thật có ý nghĩa, nhất là khi gọi điện về thấy bố khoe: - Bệnh của mẹ tiến triển nhiều rồi con ạ. Rồi một ngày, bố đột ngột xuất hiện ở cửa hàng với khuôn mặt của một người đang cố chịu đựng: - Tại sao con lại nói dối bố? Bố dằn từng tiếng một rồi chìa tờ giấy báo điểm đậu đại học mà nó đã cố giấu. Nó nhìn thấy trong mắt bố là cả một sự kiềm nén ghê gớm, nên câu trả lời của nó cũng trở nên đứt quãng: - Con… xin lỗi bố… nhưng bố ơi, làm thế nào mà con có thể đi học được khi mẹ đang bệnh? Làm thế nào mà con có thể để bố một mình vật lộn để vừa chăm mẹ vừa nuôi con học đại học. Con rất mong được vào đại học, nhưng lúc này con cần phải làm những việc quan trọng hơn. Đợi đến khi mẹ khỏi bệnh con sẽ lại học tiếp, con sẽ vào đại học bố ạ, chỉ là đi sau các bạn vài bước thôi. Lần đầu tiên trong đời, nó nhìn thấy bố khóc, đôi mắt ầng ậc nước.
Kí ức mang tên em (2 trang)
Nắng vờn trên cành lá, mây trôi trên nền trời xanh bất tận... Còn mưa ngủ quên trên bậc thềm giữa quá khứ và hiện tại, giữa mờ ảo và rõ ràng, giữa niềm buồn và hạnh phúc. Suỵt, đừng đánh thức mưa nhé! Đừng để mưa lấy đi mây của trời, nắng của chồi non và hạnh phúc của em - cô bé thắt bím đưa vội ngón tay đặt lên môi tôi, nụ cười em làm tôi bối rối... Tôi không tin rằng có một ngày em sẽ biến mất hoàn toàn, em sẽ tan như một cơn gió giữa ôm ả phố phường, giữa một giây khi mắt chợt nhắm lại... *** - 27, “Cuộc sống đừng thôi học cách giễu cợt chính mình, cuộc sống đừng thôi làm mình cảm thấy mình bất hạnh. Cuộc sống sẽ luôn cho mình một điểm tựa để vin vào lúc khó khăn, cô đơn nhất nhưng cuộc sống sẽ chẳng rộng lượng chỉ cho mình cách bắt lấy hạnh phúc thế nào. Bởi vì con đường tìm ra hạnh phúc phải do mình tự tìm lấy từ cơ sở hiểu được bản thân mình hạnh phúc khi nào.” – dòng đề tặng căng mọng bản lĩnh trong cuốn sách tôi được tặng từ em, vấn vương và phảng phất khắp phòng làm việc… Cô bé mấp mé sau cánh cửa, đôi mắt đỏ hoe... Mái tóc chải ngược chiều tự nhiên, cột gọn gàng đê lộ vầng trán cao thông minh. Chiếc váy hoa với nhiều tầng họa tiết kì dị mà tôi chọn làm em trở nên nổi bật. Em ngượng ngịu, tôi không dám hỏi tại sao em khóc... Bởi tôi biết tại sao... Con người, ai không ích kỉ với cuộc sống của mình vậy nên em hoàn toàn có quyền ấy. Nắng đang len lõi khắp không gian đa chiều, len lõi quanh nhịp chân chậm chạp của tôi và em... - Tại sao không phải màu trắng? - Vì màu trắng dễ vấy ố. - Tại sao màu sắc lại cầu kì? - Vì thứ gì trong đời cũng tự thân phức tạp. - Tại sao lại nhiều tầng hoa văn? - Vì ai trong đời cũng có một mặt nạ tốt. Em bỗng chững lại, nhìn tôi mắt thoáng buồn rồi quay lưng chạy... Tôi im lặng, bước tiếp trên đoạn đường dài với những dãy phố nối tiếp và hàng người đan chéo rườm rà. Tôi không đánh đồng ai với ai nhưng tôi đánh đồng tôi với em. Tôi hiểu, em cũng có mặt nạ. Mặt nạ hạnh phúc sau những đau khổ, dằn vặt, sau những dấu hỏi to vì lý do gì em bị chọn lựa. *** - 13, “Em cảm giác mình trôi nhẹ bâng, sáng nay em nhận được một lời tỏ tình” - má em đỏ ửng, đôi môi luyến láy đầy thẹn thùng. Tôi dừng viết, chốc chốc cây bút đen xuống bàn để đầu nó chạm mặt bàn phát ra âm thanh khó chịu. Rồi ngẩng đầu nhìn em, nhíu mày. Em nghiêng đầu, mái tóc hôm nay được thả bồng bềnh nhẹ chuyển động trong gió, bặm môi ra chiều suy tư. Chọc được em, tôi phá lên cười rồi cũng ngưng bặt khi thấy em bất giác bỏ đi. Tóc em thướt tha quá! Giá như dáng em cũng thướt tha như thế... Tại sao em lại gầy đến vậy? Tôi lại cũng hiểu tại sao... - 5, Đám không khí lan man nhẹ nhàng mang hương cafe đen sậm, không đường đến xoáy sâu vào mũi em. Em đang ngồi bó gối trên chiếc ghế kê gần cửa sổ, bận ngắm nghía hoàng hôn buông thong thả xuống dòng đời. Màu đỏ buồn chưa bao giờ đẹp trọn vẹn như lúc này, khi không có em. Nhưng sự trọn vẹn ấy vô hình chung lại bóp chặt trái tim tôi, tôi sợ! Tôi mơ hồ về cái khung đời đã được đóng và bức tranh gần như được hoàn thiện. Khi nét vẽ cuối được ghì trên mặt giấy, khi mảng màu được phối xong, gió sẽ đánh tan màu mắt đen đẹp man mác... - Nhìn gì thế? - em nheo mắt, vẻ hồn nhiên mang hơi hướng buồn… - Bao nhiêu điểm cho bức tranh trước mắt? - Mười tuyệt đối. - Có dễ dãi quá không? - Không đâu, nếu phút chuyển ngày cuối cùng không được hoàn hảo thì luyến tiếc sẽ bị gọi tên nhiều lắm. Tôi nhìn em rồi đưa mắt nhìn bầu trời đang chũng lại. Thềm trời khoác tấm áo đỏ rực. Tuy không phải đỏ hi vọng như bình minh nhưng đỏ hài lòng để kết thúc bao giờ cũng là đem lại cho tôi nhiều nụ cười hơn. Cuộc sống là một vòng quay và dù hình dạng ta cố tình hay vô tình tạo ra thế nào thì nó cũng phải thỏa điều kiện khép kín. Có khởi đầu thì đừng cố ép mình không cho nó kết thúc. Cách kết thúc của em là học cách tự thỏa mãn mình với suy nghĩ tất cả đều như mơ? Tôi hiểu điều đó. Tôi đẩy ly cafe đen, không đường cho em. Em đẩy lại, đáy mắt lấp lửng đôi điều nhưng em không vận hành bản thân mình lên tiếng. Tôi lơ em, đưa ly cafe của mình lên môi, nhấm nháp với vẻ thích thú rồi ngụp sâu trong hỗn độn suy nghĩ... Khi tôi đưa ly lần thứ hai chuốc vào bụng thì lạ lùng vị đắng nhạt đi rất nhiều... - Em đã cho đường đấy à? - Cho sữa! Nếu không thích đường thì ta còn có quyền dùng sữa. Tại sao phải chọn đắng trong khi ta có quyền chọn ngọt? - ... - Cuộc sống có quyền được ngọt chứ? - Ừm... Nhưng...- tôi quay sang nhìn ly em, một màu đen không pha - tại sao... - Vì em cũng muốn thử một vị đời mới - em nhoẻn miệng cười rõ tươi - dù sao đây cũng là ly cuối cùng... Giọng em giảm tông dần và... em khóc... Vệt nước lăn dài ngờ nghệch... Cứ thế, em khóc thật to... Khóc đi! Khóc vì em có quyền. Em chứ không phải tôi có cái quyền ấy thế nên tôi sẽ chọn cách ôm em vào lòng... Tôi thương em, cô bé nhỏ sống đầy nghị lực... - 30, "Bác sĩ ơi! Đừng làm em đau vì em còn muốn hạnh phúc, đừng thương hại em vì em thèm được đối xử bình đẳng và đừng cho em thấy mình bất hạnh khi căn bệnh chọn em." - hình ảnh cô bé mười bảy đến gõ cửa tìm và yêu cầu tôi thế vẫn đọng mãi và dù nó đã lắng rất sâu nhưng chưa bao giờ không đem lại những thổn thức nhất định cho tôi. Tôi - một đứa sinh viên ra trường chưa được bao lâu, hai lăm tuổi, phải đón nhận ca chăm sóc đặc biệt khi y học chào thua. Và nhiệm vụ của tôi là giúp em sống những ngày cuối đời hạnh phúc, giúp em cảm nhận mình chẳng hề bất hạnh. Điều ấy quá đỗi khó khăn với tôi. Một người sắp bị thế giới đóng cửa, tôi sẽ phải làm sao?... Nhưng rồi, chính em dẫn dắt tôi... Cho tôi những giá trị cuộc sống mà bản thân tôi có đi dọc cả một đời chưa chắc tìm thấy hơi. *** 0. Sáng, nắng vàng vừa chớm trên mầm non, giọt sương chưa phai vội trên đầu lá. Khi mọi thứ bắt đầu như bình thường, em gọi cho tôi nói hôm nay em sẽ chết, linh cảm mách bảo thế, và tôi hay bất cứ ai đều đừng đến tìm em. Hôm ấy, tôi khởi động mọi việc theo lối tư duy mới được khởi mào từ em, làm việc với nụ cười thường trực và đôi khi nghĩ về em, tôi lại cười rộng ra vài phân. Cái chết nhẹ nhàng quá em nhỉ?... Em mất lúc hoàng hôn gần tắt... +1, Ngày đưa em, ai cũng khóc riêng tôi cười không giả tạo vì tôi biết em đã mãn nguyện với cõi đời bất định, với kiếp sống phù du này. "Tôi yêu em, cô bé! Hiển nhiên là một tình yêu đủ lớn" - Lời cuối cùng cho một kí ức mang tên em... Tôi sẽ không sống cả cuộc đời của em bởi lẽ em đã đi trọn, tôi sẽ đi cuộc đời của chính tôi bằng thứ tình yêu em mang đến... Nhân nó ra và truyền đạt lại... Dương vô cùng… Em đang smile đúng không? Viết tặng kí ức, ngày phải đóng vali quá khứ lại để bước
Tình ca tháng Tám (5 trang)
Cô gái đáng yêu trước Duy bỗng dưng cúi đầu đỏ mặt, nụ cười vẽ trên môi cô tròn vẹn những nét tươi vui hiện rõ. Xem ra, tình ca tháng Tám không phải là tình đơn phương rồi. “Bốp” Duy nhận cái tát như trời giáng của cô gái xinh đẹp giữa bãi biển thưa người đẹp như mộng. Sóng rì rào từng đợt vỗ bờ như trêu đùa. Cô gái đẹp, sau khi giáng cái tát làm hằn lên năm dấu tay trên mặt chàng người yêu đã cạn tình, đã ngoe nguẩy bỏ đi, bỏ lại những bãi bờ dài miên man cùng những đợt sóng bạc đầu tung bọt trắng xóa. Bỏ lại cả Duy. Duy ngồi phịch xuống bãi cát mịn, thở dài một tiếng, rồi cười, vẻ mỉa mai giễu cợt. Anh ngả người chống tay ra sau rồi nhìn ra vùng biển mênh mông trước mặt. Cảm giác thoải mái và nhẹ nhõm xâm chiếm. Thật, đời anh ít khi thấy dễ chịu thế này. Họ, dù sau, cũng đã chẳng yêu nhau nhiều. Anh hít thở sâu rồi quay nhìn xung quanh, bất ngờ khi thấy rất gần chỗ anh là một cô gái cũng đang ngồi một mình. Cô gái trông có gì hay hay cuốn hút Duy. Cô gái lạ nước da rám nắng đúng chất con gái phố biển, tóc đen buột cao đánh rối vừa xinh vừa lạ. Đáng chú tâm nhất là cô đang ngồi chăm chú xây lâu đài cát. Duy ít thấy ai ở độ tuổi ấy vẫn có thể dành nhiều tâm trí cho việc làm trẻ con này. Tóm lại, cô gái ấy, vừa xinh vừa lạ. Duy cố ý nhích người gần hơn về phía cô gái, mắt chăm chú quan sát từng hành động của cô. Cô gái xinh xắn bất ngờ ngước lên nhìn Duy, ánh mắt tinh ranh ném tia nhìn lém lỉnh về phía anh: - Bạn gái anh xinh thật. Duy hơi bất ngờ về câu nói của cô gái lạ. Anh thoáng bối rối đưa tay lên gãi đầu rồi cười xòa, vẫn vẻ giễu cợt ban nãy. - Bạn gái cũ thôi. - Là cô ấy vô cùng đáng sợ, hay anh chẳng ra gì? – Cô gái nói khi tay vẫn mải mê vuốt nhọn đỉnh chóp tòa lâu đài xây bằng cát mịn. - Em đùa? – Duy tròn mắt hỏi lại. - Cái tát ban nãy chẳng đùa đâu nhỉ? Vẫn cái nhìn lém lỉnh quen thuộc, cô gái làm Duy ngạc nhiên. Anh tự động tham gia cùng cô trong trò xây lâu đài trẻ nít. Duy lẩm nhẩm, tay nhẹ nhàng đắp cát và là phẳng phần hông của lâu đài: - Anh chỉ bảo “mình chia tay nhé” và rồi cô ta tặng quà chia tay như trời giáng như thế đấy. – Duy thở dài – Các cô gái, lúc nào cũng không chấp nhận những sự thật rành rành rằng: chuyện chúng mình đã tan hoang và kết thúc lâu rồi. Cô gái dễ thương cạnh Duy bỗng bật cười, mắt hơi cụp xuống làm hiện rõ hàng mi dài và cong. - Bởi vì bọn con trai luôn quá dễ dàng chấp nhận mọi thứ, nên Thượng Đế tạo ra thêm các cô gái để khiến mọi việc phức tạp hơn một chút, để thỉnh thoảng, nếu có thể, các anh nên dừng lại và ngẫm nghĩ. - Ồ! – Duy gật gù – Thú vị nhỉ! Em là ai thế, cô gái của biển? Cô cười giòn không giấu vẻ thích thú hiện rõ: - Biết em là cô gái của biển luôn cơ đấy! - Chỉ có thế mới có đủ yêu thích với công việc cần mẫn này thôi cô gái ạ. – Duy nói và nháy mắt về phía tòa lâu đài sắp hoàn chỉnh. Cô gái dễ thương gật đầu, miệng cười lỏn lẻn nhìn Duy: - Em tên Vỹ. Duy nhặt một chiếc vỏ ốc màu trắng nhọn hoắc gắn lên làm chóp của tòa lâu đầu, miệng nhoẻn thành nụ cười đáo để: - Thanh Duy – Duy phủi tay, gật gù nhìn “sản phẩm” hoàn tất – Hy vọng đây là cái tên con trai cuối cùng mà em biết. - Sao? – Vỹ thoáng ngạc nhiên rồi chợt phì cười. Cô lắc lắc đầu – Anh luôn tán tỉnh các cô gái như thế à? - Không. – Duy nhíu mày – Cuộc đời chúng ta chỉ có thể gặp được một người mà chúng ta muốn đối xử đặc biệt hơn tất thảy. Vỹ “à” lên vẻ thú vị: - Sao lại là em? Mười phút trước chúng ta còn là những người xa lạ. - Anh không biết. – Duy thở ra một cái thật nhẹ rồi ngả người ra phía sau, gióng mắt về phía chân trời thẳng tắp – Anh muốn thử. Em tin vào định mệnh không? - Không. Chúng chỉ khiến người ta ngờ nghệch ngồi mãi một nơi chờ nhân duyên rơi xuống, mà đáng buồn làm sao, chúng ta chẳng thể biết mình sẽ chờ đến bao giờ. Biển trải dài với đường viền trắng xóa làm bằng bọt sóng. Mặt trời đủng đỉnh rơi ở chân trời bên kia. Buổi chiều như bao buổi chiều khác – với người này, nhưng khác những buổi chiều còn lại –với người kia. Buổi chiều tháng Tám, hoàng hôn lấp lửng trong thời khắc giao mùa. - Thỉnh thoảng, cô gái ạ, - Duy nghiêng đầu – em nên tin vào một điều gì đó. Mơ mộng một chút cũng không sao. Vì về cơ bản, cuộc sống, chẳng phải chỉ cần vui vẻ? - Vậy… - Ánh tà dương rơi tõm vào nơi đôi mắt trong veo của Vỹ - chúng ta sẽ thử, vì sự vui vẻ của bản thân? - Phải, vì sự vui vẻ của bản thân. Họ thích thú nhìn vào mắt nhau, những ánh mắt biết nói cố gắng soi lấy tâm can nhau như quen từ đời kiếp nào. Nhìn kỹ, Duy đẹp như chàng trai Latin nóng bỏng với đôi mắt sâu màu nâu trùng với màu tóc. Nhìn kỹ, Vỹ vẫn đầy nét bí ẩn, nhưng nồng hậu, như là biển cả. Nhìn kỹ, tháng Tám đâu chỉ nắng gắt, mà hãy còn trong vắt, đong đưa và lãng đãng cảm thức giao mùa. Tất cả nhân duyên đều đẹp, mà giả sử không, hãy nhìn thật kỹ. Chúng nhất định đẹp. *** Tiếng chuông điện thoại réo rắt lúc năm giờ sáng làm Duy giật mình tỉnh giấc. Anh lồm cồm bò dậy, với tay chụp lấy định tắt thì nhìn thấy cuộc gọi của Vỹ. Giọng Duy hãy còn nhừa nhựa: - Còn quá sớm để xây lâu đài cát đó cô gái. - Dậy chuẩn bị đi. Mười phút nữa em sang. Vỹ nói gọn lỏn rồi cúp máy cái bụp chẳng kịp cho Duy hỏi lại. Cô lúc nào cũng vậy, thích làm những chuyện kỳ quặc phiền phức, và thú vị. Như hôm nay chẳng hạn, cô lôi Duy dậy lúc năm giờ sáng chỉ để kéo nhau ra biển… nhặt vỏ sò. Đó là ngày thứ mười mấy họ quen nhau. Tháng Tám hãy còn phủ nắng khắp trời, nhưng trong trẻo những mùi hương của mùa thu sắp chạm ngõ. Tháng Tám trên biển, giống như một đợt sóng trong. Vỹ cười toe khi thấy Duy bước ra cổng, quần áo chỉnh tề nhưng mặt mũi hãy còn ngơ ngác. Cô vịn vai bắt Duy đứng yên, rồi lấy tay sửa tóc lại cho anh. Khi thấy những ngón tay thon của cô gái dễ thương luồn trong những tóc mình, Duy cảm giác thật lạ. Tiếng tim anh đập “thịch” một cái giật mình êm dịu, như có đợt sóng tràn vào bãi cát mịn. Vỹ cười giòn tan khi khoát tay Duy đi bộ ra bãi biển. Phố xá còn ngái ngủ và nằm yên. Biển buổi sáng trong trẻo như nụ cười của Vỹ. Sóng hiền hòa vỗ vào bãi bờ, những bọt trắng tung tràn cũng thật hiền hòa. Họ chia nhau đi nhặt những chiếc vỏ sò, vỏ ốc thật đẹp theo lời Vỹ, dù Duy cũng chẳng biết là để làm gì. Những chiếc vỏ ốc nằm dưới nước phản chiếu ánh mặt trời của ban mai sáng bừng, Duy thích thú đưa tay khua nhẹ vào mặt nước biển, nhặt chiếc vỏ ốc màu tím thẫm lạ mắt, quan sát một hồi lâu rồi cho vào chiếc xô nhỏ Vỹ đưa. Phía bên kia, Vỹ cũng say sưa làm công việc của mình, mái tóc dài buột gọn thi thoảng đong đưa, đen nhánh. Chỉ trong chốc lát họ đã thu hoạch được hai xô gần đầy. Cả hai cùng ngồi xuống bãi cát dài, đổ thành quả của mình ra, chọn chọn lựa lựa. Vỹ nhặt được những vỏ ốc rất xinh với đủ thứ màu sắc đẹp và lạ mắt. Cô huơ huơ một chiếc vỏ màu ánh bạc lên trước mặt Duy, vẻ mặt ngộ nghĩnh: - Đẹp chưa này! Duy cười xòa, lắc lắc đầu và nháy mắt: - Thua anh rồi. – Duy vừa nói vừa lục tìm chiếc vỏ ốc màu tím thẫm ban nãy, đặt vào tay Vỹ - Tặng em. - Ô. Màu tím này! – Vỹ reo lên thích thú. – Đẹp quá! - Ừ. Như em vậy. - Thật không? - Thật. Như biển, không biết dối gạt bao giờ. – Duy gật đầu làm ra vẻ nghiêm trọng khiến Vỹ phì cười. Bất ngờ Duy áp chiếc vỏ ốc xinh đẹp vào tai Vỹ, giữ yên và thầm thì: - Em sẽ nghe âm thanh của biển. - Chỉ là tiếng gió thổi qua khe hở này thôi. – Vỹ cười, gọn lỏn. - Này – Duy nhăn mặt – Em là khắc tinh của lãng mạn đúng không? Đừng lý trí mãi thế, cho trái tim em có chút tiếng nói đi nào! - Ừm. Vỹ thè lưỡi rồi nhỏn nhẻn cười, cô ngoan ngoãn để Duy áp chiếc vỏ ốc vào tai mình. Trong thoáng chốc, cô khẽ nhắm mắt, cho lòng mình tĩnh tại, yên bình. Chiếc vỏ ốc bên tai khe khẽ những âm thanh rì rào như đại dương muôn đời. Cô thấy như có cơn sóng nào mơn man, mơn man… Bắt chước Duy, cô cũng chọn lấy một chiếc vỏ ốc đẹp áp vào tai anh. Cùng nhau, họ lắng nghe biển. Mặt trời lên cao hơn một chút, bắt gặp hương gió mằn mặn thổi qua mái tóc con gái, Vỹ đưa tay gỡ những lọn rối, mỉm cười. Cô bất chợt nhẹ nhàng lấy tay vuốt tóc Duy, vuốt gọn lại những rối bời ban nãy, giọng thầm thĩ: - Về nhé! Cả hai cùng thu dọn “chiến trường” vừa bày ra. Duy đang loay hoay nhặt lại những chiếc vỏ ốc cho vào xô thì nghe tiếng Vỹ “á” lên một cái hoảng hốt. Chiếc vỏ sò sắc nhọn đã cứa phải tay cô trong một chốc bất cẩn, rạch thành một vệt dài. Cô hơi nhăn mặt nhìn Duy, rồi xoa xoa lên vết thương, máu vẫn chưa ngừng chảy. Nhìn vết thương có vẻ sâu, rồi nhìn lên vẻ mặt hơi phụng phịu của Vỹ, Duy lo lắng: - Đau lắm không? - Đau. – Vỹ gật đầu. Duy một tay cầm xô, một tay nắm lấy tay Vỹ kéo đi, chẳng kịp cho cô giật mình. Anh chỉ buông một câu “Theo anh.”, thế là Vỹ ngoan ngoãn đi theo. Trên tay cô, máu vẫn ri rỉ chảy thành dòng. Duy nhẹ nhàng mở chiếc cổng sơn trắng, dắt Vỹ vào nhà. Con đường lát đá quanh co thú vị cùng những cảnh trí xung quanh làm Vỹ trong thoáng chốc quên mất mình đang bị thương, cô ngơ ngẩn nhìn quanh, thả hồn theo một cánh bướm đi lạc. - Nhà anh đẹp quá. Vỹ nói nhưng Duy không đáp lại. Anh lẳng lặng dắt cô vào phòng khách, ấn cô ngồi vào ghế, mặt nghiêm túc: - Ngồi yên đấy. Đợi anh một chút. Đúng là “một chút”, chỉ chốc lát sau, Duy đã trở lại ngồi bên Vỹ với hộp y tế trên tay. Rồi chẳng nói chẳng rằng, Duy nâng tay Vỹ lên, cẩn trọng chùi rửa và sát trùng. Vỹ say sưa nhìn Duy đang tỉ mẩn từng chút từng chút một chăm sóc vết thương cho mình, lòng nhói lên cảm giác mến yêu yên bình khó tả. Cô mỉm cười quan sát anh thật kỹ. Đúng là con trai khi chú tâm làm việc gì trông thật cuốn hút. Đôi mắt nâu của Duy cứ mải mê ngắm nghía xem xét vết thương của cô, chẳng màng để tâm điều gì khác. Sau khi đã sát trùng vết thương sạch sẽ, Duy nhẹ nhàng dán miếng băng keo cá nhân lên, gọn ghẽ và dịu dàng. Lúc này Vỹ mới thôi thần người ra, cô khẽ giật mình thu tay về, xem xét chỗ vết thương, xuýt xoa: - Làm thế nào mà anh có thể giỏi cả mấy việc này vậy? - Anh sống một mình nên phải học cách tự giải quyết mọi thứ mà. – Duy nhoẻn miệng cười – Không chỉ mấy việc cỏn con này đâu. Vỹ tròn mắt vẻ thán phục không che giấu. Trong lúc cô đang mân mê bàn tay bị thương của mình, Duy bỗng nghiêng người chồm tới sát mặt cô, chớp mắt: - Này, em muốn biết một bí mật không? - Ừm… - Vỹ lúc lắc đầu suy nghĩ – Nếu em nói không? - Thế sẽ hỏng kịch bản lãng mạn lúc này mất! – Duy cắn môi – Nói có đi nào! - A ha. – Vỹ phì cười – Em đùa đấy. Có chứ. Duy nắm tay Vỹ kéo sang phòng khác. Căn phòng không rộng lắm được phủ toàn bộ một màu sơn trắng toát lạ lẫm, chẳng bày biện đồ đạc gì ngoài một chiếc dương cầm đen có vẻ hơi cũ, dưới chân ghế ngồi còn vương vãi mấy tờ giấy ghi chép đầy những nốt nhạc và giai điệu. Vỹ thích thú tiến đến chiếc dương cầm, cúi nhặt một tờ giấy nguệch ngoặc những nốt trầm bổng, quay sang nhìn Duy, tròn mắt: - Anh viết? - Ừ. Muốn nghe thử không? Rồi chẳng đợi Vỹ gật đầu, Duy ngồi luôn vào ghế, lướt tay lên những phím đàn trắng muốt. Bản nhạc Duy chơi thật lạ, nhẹ nhàng như không nhưng sâu lắng lạ thường, những êm dịu trải dài và thi thoảng xúc cảm lại dồn lên mạnh mẽ, như sóng tràn bờ. Vỹ đứng tựa mình vào khung cửa sổ, yên lặng ngắm nhìn Duy. Khung cảnh trước mặt cô bỗng nhiên đặc quánh cảm giác tiểu thuyết xưa cổ lãng mạn, với một chàng trai đẹp, và một giai điệu đẹp. - Đây là tặng biển. – Duy nói khi chơi dứt bản nhạc. - Êm dịu và sâu lắng, tuyệt quá. – Vỹ vỗ tay khe khẽ. Duy mỉm cười rồi lại tiếp tục lướt tay trên phím đàn. Giai điệu lần này có vẻ khá giống lần trước, nhưng nghe kỹ lại thấy những điểm khác biệt thú vị, cảm giác ngọt ngào và gần gũi, lại dễ thương tươi vui. Vỹ khẽ lắc lư người và nhịp chân, cảm giác dễ chịu tràn ngập. Cô nhảy một điệu kỳ quặc ngộ nghĩnh xung quanh Duy. Anh tít mắt lại vì cười, tay vẫn lướt nhẹ nhàng vẽ nên những giai điệu tươi tắn. Duy dứt bản nhạc bằng cú lướt tay điệu nghệ, miệng cười tươi rói và mắt tít lại: - Còn đó là tặng em. - Thích thế – Má Vỹ bất chợt đỏ ửng lên. - Lần này nghe kỹ nhé. Đây là cho chúng ta. Dứt lời, Duy tiếp tục để bản thân đắm chìm vào giai điệu. Những nốt trầm bổng hòa quyện nhau trong không gian lửng lơ trong vắt của buổi sáng, hòa vào gió biển nồng mặn và những cơn nắng xé trời của mùa hè còn ở lại. Vỹ thấy như đang đi lạc trong một buổi chiều tháng Tám hoang hoải gió giữa bãi cát mịn, nghe sóng biển vỗ, một tay vuốt lại phía bên tóc rối, tay còn lại đang nằm gọn trong tay Duy, hai người cứ thế đi bên nhau, thi thoảng rộn lên những tiếng cười giòn tan như sóng… Giai điệu mê hoặc lạ thường cuốn cô vào cảm giác chộn rộn rồi lại bất chợt bình yên, y hệt như lúc ở bên Duy. Cô tiến về phía Duy rồi bất ngờ đặt hai tay lên vai anh, dịu dành thành cái ôm nhẹ. Cô cười. Và anh cũng thế. - Em thích không? - Em chưa từng nghe bản nhạc nào hay đến thế. Thật đấy. Đáy mắt trong veo của Vỹ ánh lên cảm giác ngây ngô chân thật đến lạ thường làm Duy không khỏi bật cười. Anh đưa tay vuốt tóc cô, rồi miết lên sống mũi thanh tú gọn ghẽ. - Dành tặng chúng ta. Tình ca tháng Tám. - Tình ca tháng Tám? – Vỹ cười hỏi lại – Sao anh chắc giữa chúng ta là một câu chuyện tình? - Giữa hai người, chỉ cần một người có tình yêu với người kia là đã đủ cấu thành nên một chuyện tình rồi, hiểu không? – Duy nháy mắt lém lỉnh. Cô gái đáng yêu trước anh bỗng dưng cúi đầu đỏ mặt, nụ cười vẽ trên môi cô tròn vẹn những nét tươi vui hiện rõ. Xem ra, tình ca tháng Tám không phải là tình đơn phương rồi. *** Những ngày khác và những mùa khác, biển vẫn rì rào vỗ vào bờ từng đợt sóng bạc đầu trắng xóa, trời vẫn đổ nắng và thi thoảng là mưa, họ - Duy và Vỹ - vẫn bên nhau và Duy vẫn ngâm nga những giai điệu diệu kỳ của “Tình ca tháng Tám”. Vỹ vẫn như đứa trẻ có niềm yêu thích vô bờ với biển, ngồi mải miết xây một tòa lâu đài bằng cát mịn. Duy nằm dài bên cạnh cô, nhìn khoảng trời xanh trong vắt trên cao rất cao, cảm giác thật yên bình. Bất ngờ, một cơn sóng ngờ nghệch ập vào sâu trong bãi, cuốn phăng tòa lâu đài sắp sửa hoàn thành của Vỹ. Và điều bất ngờ hơn, cô gái của biển bỗng nhiên òa khóc nức nở như trẻ con bị giành mất kẹo. Nước mắt cô lăn dài và tiếng nấc hờn dỗi làm Duy hoảng hốt. Anh ngồi bật dậy, xoay người cô về phía mình, một tay gạt nước mắt, tay kia nắm lấy tay cô. - Làm sao thế này? Đừng khóc chứ! – Duy vừa dỗ dành vừa muốn bật cười – Anh sẽ xây lại cái khác cho em, đừng khóc nữa nào! Nước mắt vẫn lăn dài trên má Vỹ. Trông cô lúc này chẳng khác nào trẻ con: đáng yêu và hờn dỗi. Duy phải dỗ mãi một lúc lâu sau Vỹ mới thôi khóc nấc như đứa trẻ, nhưng cặp mắt hãy còn ngân ngấn nước. Anh véo má cô một cái, nói như trêu: - Nhìn em kìa, đáng yêu quá đi mất! - … - Nín đi. Xây lại cái khác thôi chứ gì. Như con nít vậy! – Duy vừa cười vừa lấy tay lau sạch những vệt nước mắt còn đọng trên má Vỹ - Mà anh hỏi này, mấy lần em bị vỏ sò cứa đứt tay sâu hoắm, máu chảy như vòi nước vậy mà sao không khóc cho anh thương, tự dưng nay có chút chuyện cỏn con này lại khóc rưng rức lên thế? Vỹ ngước đôi mắt còn ngấn nước lên nhìn Duy, ánh mắt cô trong veo và thuần khiết, vẻ mặt phụng phịu làm Duy không chịu nổi phải ôm cô lại. Anh bật cười nghe cô thỏ thẻ trong lòng mình: - Em không biết. Bị thương em chịu được, nhưng tự nhiên thấy sóng vào phá hỏng công sức nãy giờ của mình thì nước mắt tự trào ra thế đấy. - Đúng là cô gái của biển, kỳ lạ quá đi! – Rồi Duy lại ôm Vỹ chặt hơn một chút – Sao có thể không yêu được cơ chứ! - Đang yêu đấy còn gì! - Ừ. Duy lại ngâm nga giai điệu quen thuộc, gióng mắt ra biển sóng. Những cơn sóng thi thoảng tràn bờ mơn man vào chân hai người. Vỹ ngoan ngoãn thôi khóc hẳn, cô đứng dậy chạy ra sát mép nước, khua khua tay vào dòng mát lạnh ấy, như rũ sạch hờn dỗi. Rồi hai người cùng xây lại một tòa lâu đài khác theo ý cô. Duy thấy yêu cô gái này hơn bao giờ hết, yêu như một bản tình ca của thiên nhiên và đất trời, của ngày tháng và những mùa qua. *** Thêm một tháng Tám nữa nghiêng mình đổ chiếc bóng giao mùa lãng đãng vào nhân gian. Lại những cơn nắng xé trời và từng cụm mây chao nghiêng vắt mình đợi mùa thu. Biển vẫn sóng sánh, rì rào, vẫn yên lặng ngắm nhìn những câu chuyện nhân duyên. Bản tình ca tháng Tám năm nào vẫn ngân vang trên môi chàng trai trẻ… Trên bãi cát mịn óng ánh, ở giữa vô vàn người, có một cặp nam nữ trẻ đang ngồi tựa vào nhau. Chàng trai huýt sáo theo giai điệu quen thuộc của bài tình ca xưa cũ, cô gái nghịch mấy vỏ ốc mới nhặt, hí hoáy vẽ lên cát những hình thù ngộ nghĩnh. Xem chừng họ rất hạnh phúc. - Em đã tin vào định mệnh chưa? – Duy khẽ nghiêng đầu hôn lên tóc Vỹ. - Chút thôi. - Ít vậy? - Chúng ta đâu biết nó sẽ kéo dài bao nhiêu hả anh! - Ngốc quá. Đâu ai có thể đòi hỏi nhân duyên và biết trước số phận, chỉ có thể học cách sống thật hạnh phúc trong quãng thời gian có nhau, hiểu chưa? - Ừm… Vỹ ậm ừ rồi lại ngoan ngoãn tựa vào Duy, cảm giác bình yên dễ chịu. Duy vòng tay qua ôm lấy vai Vỹ, thầm thì: - Này, em muốn biết một bí mật không? - Có chứ, luôn luôn. - Anh đang yêu một cô gái. - Ai thế? Xinh không? – Vỹ cười khúc khích. - Cô gái của biển. Xinh lắm! – Duy nhấn giọng – Cô ấy giống như là biển vậy. Em không biết đâu. Anh yêu cô ấy nhiều lắm. Vỹ cười giòn tan trong ánh tà dương ấm áp, cô ngồi thẳng dậy, vuốt tóc Duy, nháy mắt đầy tinh nghịch: - Thế… anh có muốn biết một bí mật không? - Bí mật á? Về cái gì thế? Anh bắt đầu hiếu kỳ rồi này! – Duy vờ làm mặt nghiêm túc. - Để em kể anh nghe về cô gái của biển. Cô ấy… … Và hoàng hôn rơi đỏ thẫm khoảng trời sau lưng. Sóng biển vẫn muôn đời rì rào. Họ vẫn sống trong nhân duyên của chính mình. Chẳng ai đếm được bao nhiêu tháng Tám đã cùng trôi qua với chàng trai và cô gái ấy, nhưng bản tình ca của năm nào vẫn thường xuyên được ngâm nga trên môi chàng trai, lả lướt vang lên trên những phím đàn trắng muốt, và vang trong tim cô gái. Họ yêu nhau.
Thư gửi mẹ nhân ngày Vu Lan (1 trang)
Đã khiến em yêu anh nhiều quá! Thu về với bao nhiêu dự định, học tập, công việc, vậy nên hai đứa mình chẳng thể rảnh rỗi hơn. Những buổi hẹn hò hiếm hoi vài tuần mới gặp, những món quà chẳng kịp trao gửi thường xuyên như trước, nên là, anh à, anh đã sẵn sàng để “nhận” hình phạt của em chưa nào? Phạt vì sáng nào cũng giục em dậy sớm, “bắt” em tập thể dục đầy đủ để giữ gìn sức khỏe. Phạt vì khi nào cũng lăm lăm điện thoại để gọi kiểm tra hay nhắc nhở em ăn đủ bữa và đúng giờ. Phạt vì luôn chăm chỉ học bài đến mức quên cả ăn cơm, mải mê nói chuyện để… rủ em ngủ để rồi sau đó chính anh không thể tìm lại giấc mơ thường ngày. Phạt vì luôn cố gắng vì tương lai của hai đứa mình, phạt vì luôn nghĩ cho sự nghiệp của cả hai. Phạt vì chẳng khi nào nói nhớ em cả nhưng luôn bất ngờ xuất hiện trước cửa lớp, cửa nhà của em với một cốc caramen thập cẩm ngọt mát. Phạt vì luôn biết cách cố tình gây thương nhớ và “nạn nhân” không ai khác, chính là em. Phạt vì hay làm em giận mỗi khi mải chơi điện tử và quên lịch hẹn với em. Phạt vì quên cả lịch thi của chính bản thân mình trong khi lại nhớ từng chữ trong bảng thời khóa biểu của em. Anh biết không, những ngày mình sánh vai trong xiết bao ngọt ngào, anh khiến em… bực mình lắm đấy nhá! Bực từ cách anh quan tâm em quá, bực vì tình yêu anh dành cho em luôn sáng trong và rộng lớn vô cùng. Rộng đến mức mỗi khi soi vào đó em luôn thấy “mặc cảm” đến lạ. Rộng đến mức em luôn nghĩ về anh mỗi sáng thức giấc và mỗi đêm trước khi chìm vào giấc ngủ. Hôm trước, ở lớp, cô giáo em đã hỏi về nơi bình yên nhất, theo quan điểm, ý kiến của mỗi người là gì. Ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong em là khoảnh khắc bên anh, khoảnh khắc để tay mình nằm ngoan trong tay anh, để nụ cười mình quyện trong từng câu anh kể, hoặc đơn giản chỉ để em được yên lặng đi bên anh.[br] [br] Tình yêu nồng nàn đến mức nếu có ai đó hỏi em rằng em yêu anh vì điều chi, em chỉ biết lắc đầu, nói chịu. Em yêu anh chỉ vì… yêu anh, vì anh là chính anh, là cảm giác bình yên em tìm thấy. Dẫu rằng chúng ta khác biệt đến mức cãi nhau “mẻ lòng”, dẫu rằng chúng ta giống nhau đến mức những câu chuyện sẻ chia tư tưởng trở thành thừa thãi…, em vẫn yêu anh, yêu anh hết lòng.[br] [br] Điều đó cũng chính là lý do anh được “tòa” tuyên án ngày hôm nay và hình phạt dành cho anh chính là… chép phạt một trăm lần câu “anh yêu em”.[br] Cấm copy and paste nhé! [img]styles/default/xenforo/clear.png[/img] Nếu mỏi tay, anh có thể quay sang vì sự “trợ giúp” của em luôn ở đó! Vì, em yêu anh! Thế thôi!
Gửi+Em+Cô+Học+Trò+Ngoan+Của+Anh
Đến trang: